Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi mới giải phóng miền Nam, đất nước vừa thống nhất, kinh tế cả nước vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, để thoát nghèo và phát triển theo kịp xu hướng thời đại, nhiều cán bộ, đảng viên muốn làm kinh tế nhưng gặp phải những ràng buộc về quy định, về cơ chế. Trong bối cảnh ấy, là một đảng viên, thương binh, cựu chiến binh, ông Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn, Thanh Hóa đã mạnh dạn, táo bạo và quyết tâm thành lập công ty do chính mình quản lý, điều hành.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần (CTCP) Tiên Sơn, Thanh Hóa nhập ngũ năm 1975 khi chỉ mới 19 tuổi và biên chế vào Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trịnh Xuân Lâm trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 38% và tiếp tục được cử đi học hạ sĩ quan pháo binh. Năm 1978, ông Lâm đã xin ra quân để về lo cho gia đình đang gặp khó khăn.
Năm 1990, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đưa gia đình rời xã Hà Vinh, Hà Trung lên thị xã Bỉm Sơn. Công việc mưu sinh ngày đó chủ yếu là thu mua xi măng vụn của Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn và thu mua sắt thép phế liệu. Trong những năm ấy, ông Trịnh Xuân Lâm đã tích lũy và học hỏi kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân. Đến năm 1995, ông Lâm quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là Công ty TNHH đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn.
Trong thời kỳ đất nước đổi mới, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng khó nhất vẫn là những quy định mà chưa có căn cứ để tháo gỡ thì sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân – Công ty Tiên Sơn, do đảng viên làm chủ doanh nghiệp là Công ty TNHH đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn vào ngày 22/7/1995 là một dấu mốc quan trọng.
Công ty Cổ phần Tiên Sơn Thanh Hóa tiền thân là Công ty TNHH Tiên Sơn Thanh Hóa được thành lập với nguồn vốn điều lệ ban đầu chỉ 500 triệu đồng, số lao động chỉ vẻn vẹn 10 nhân viên. Đến nay, Tiên Sơn Thanh Hóa có 9 nhà máy may gia công để xuất khẩu tại thị xã Bỉm Sơn, huyện Nga Sơn, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Như Thanh, Yên Định, Thạch Thành và Thành phố Thanh Hóa với giá trị đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động. Vốn điều lệ của công ty đã được nâng lên thành 348 tỷ đồng và đến 2020, CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa thu hút từ 15.000-17.000 lao động vào làm việc.
Công ty TNHH Tiên Sơn là Công ty TNHH đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn, hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc; Kinh doanh nhà hàng, khách sạn; Sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ, hàng sơn mài. Công ty TNHH Tiên Sơn là Công ty tư nhân đầu tiên của Bỉm Sơn – tên Công ty cũng mang ý nghĩa đó.
Trong quá trình thành lập và xây dựng Công ty, những người bạn lính chính là những người đồng cam cộng khổ khi cùng ông đặt những viên gạch đầu tiên cho Tập đoàn Tiên Sơn. Năm 1995, những cán bộ nhân viên đầu tiên của Công ty cũng là những đồng đội cùng chung một chiến hào năm xưa. Thời gian đầu, Công ty chưa phát triển nhiều lĩnh vực kinh doanh, chỉ tập trung vào mua phế liệu.
Năm 2000, Công ty mở xưởng đóng sách vở học sinh. Khi đó, con em các cựu chiến binh có rất nhiều người muốn xin việc. Trước tình hình đó, Công ty trăn trở tìm phương án phù hợp để tạo điều kiện cho con em cựu chiến binh có việc làm và thu nhập. Sau khi thăm một người bạn mở xưởng sản xuất gỗ xuất khẩu, ông Trịnh Xuân Lâm đã nảy ra ý tưởng mở một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Thanh Hóa, xưởng gỗ ấy có những năm đạt doanh thu 1 triệu đô la.
Theo báo cáo, năm 2018, doanh thu thuần của công ty đạt 295 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Lãi sau thuế tăng vượt bậc, đạt gần 23 tỷ đồng, trong khi năm 2017 chỉ đạt 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này chưa phải là mức mà công ty đã kỳ vọng trước đó, điều này được giải trình là do chi phí đầu tư ban đầu của một số dự án dự kiến triển khai nhưng đã tạm dừng do không đạt hiệu quả, ngoài ra việc phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngoài dự tính đã khiến công ty ‘vỡ’ chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tháng 4/2019, sở GDCK TP.HCM đã thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 34,8 triệu cổ phiếu của CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa. Năm 2021 công ty có 10 nhà máy và 10,000 lao động. Kế hoạch đến 2025 có 15 nhà máy và 15,000 lao động.
Thành công nối tiếp thành công, từ một doanh nhân “chân đất” nhưng ông quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”. Ông Trịnh Xuân Lâm cùng tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, của VCCI đi tham quan hàng trăm nước trên thế giới. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mặc dù không học về kinh doanh nhưng ông được trời phú cho sự nhanh nhạy và tư duy kinh doanh nên đi đâu ông cũng chắt lọc được những kinh nghiệm và nhanh chóng tìm ra cơ hội phát triển mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ông Trịnh Xuân Lâm là tấm gương sáng về hình ảnh người lính Cụ Hồ không chỉ đẹp trong thời chiến mà giữa thời bình, hình ảnh đó lan tỏa một thông điệp ý nghĩa về hình ảnh người cựu chiến binh năm xưa.