Vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi mới giải phóng miền Nam, đất nước vừa thống nhất, kinh tế cả nước vô cùng khó khăn. Trước tình hình đó, để thoát nghèo và phát triển theo kịp xu hướng thời đại, nhiều cán bộ, đảng viên muốn làm kinh tế nhưng đều gặp phải những ràng buộc về quy định, về cơ chế. Trong bối cảnh ấy, là một đảng viên, thương binh, cựu binh, ông Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn, Thanh Hóa đã mạnh dạn, táo bạo và quyết tâm thành lập công ty do chính mình quản lý, điều hành.
Ông Trịnh Xuân Lâm, chủ tịch HĐQT CTCP Tiên Sơn Thanh Hóa nhập ngũ năm 1975 khi chỉ mới 19 tuổi và biên chế vào Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trịnh Xuân Lâm trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 38% và tiếp tục được cho đi học hạ sĩ quan pháo binh. Tuy vậy, năm 1978, ông Lâm đã xin ra quân để về lo cho gia đình đang gặp khó khăn.
Năm 1990, cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm đưa gia đình rời huyện Nga Sơn lên thị xã Bỉm Sơn. Công việc mưu sinh ngày đó chủ yếu là thu mua xi măng vụn của nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, sắt thép phế liệu. Trong những năm ấy, ông Trịnh Xuân Lâm đã tích lũy và học hỏi kinh nghiệm về con đường kinh doanh, đặc biệt là mô hình công ty tư nhân. Đến năm 1995, ông Lâm quyết định thành lập Công ty TNHH Tiên Sơn, đây là Công ty TNHH đầu tiên ở TX Bỉm Sơn được thành lập, hoạt động với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và gia công các sản phẩm may mặc; Kinh doanh nhà hàng, khách sạn; Sản xuất và xuất khẩu hàng sơn mài.
Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ những người lính
Trong thời kỳ Đất nước đổi mới, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng khó nhất vẫn là những quy định mà chưa có căn cứ để tháo gỡ. Cho đến năm 2006, Quy định số 15QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về đảng viên làm kinh tế tư nhân được ban hành. Đây là một quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng. Sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân – Công ty Tiên Sơn, do đảng viên làm chủ doanh nghiệp là Công ty T.N.H.H đầu tiên ở thị xã Bỉm Sơn được thành lập ngày 22 tháng 7 năm 1995.
Kể từ thời điểm ấy, suốt trong một khoảng thời gian vẫn chưa có quy định cụ thể nào mở lối, tạo điều kiện cho đảng viên được phát triển kinh tế tư nhân. Công ty TNHH Tiên Sơn vẫn phải hoạt động sản xuất kinh doanh trong giới hạn cho phép của cơ chế, quy định và luôn luôn phải cẩn trọng, tự xem xét, nhìn nhận mọi hoạt động của Công ty trong khuôn khổ cho phép vì tôi là một đảng viên phải làm đúng những quy định của tổ chức Đảng.
Khi quy định số 15-QĐ/TW được ban hành cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô, phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những đảng viên có vốn, khả năng tạo vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh yên tâm phát huy nguồn lực, năng lực để làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình, đóng góp tích cực phát triển kinh tế – xãhội.
Ông Trịnh Xuân Lâm (bên trái) – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn, Thanh Hóa
Sau khi thành lập, cả Công ty chỉ duy nhất một đồng chí Giám đốc Công ty là đảng viên. Gần 10 năm, đồng chí vẫn phải sinh hoạt với Chi bộ địa phương nơi gia đình đồng chí đã từng sinh sống trước đó. Chấp hành Điều lệ Đảng nên sinh hoạt để giữ gìn kỷ cương của Đảng nhưng thực ra chất lượng của sinh hoạt rất hạn chế. Chi bộ địa phương không nắm bắt được hoạt động của Công ty, ngược lại đảng viên ở Công ty cũng không gắn bó nhiều với công việc của địa phương nơi mình sinh hoạt. Trước tình hình ấy, ban lãnh đạo đã có quyết định dứt khoát Công ty phải có tổ chức Đảng thì vai trò của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng mới được phát huy và hoạt động có hiệu quả thiết thực. Để giải quyết cần phải có lộ trình và có bước đi thích hợp. Bước đầu, ông Trịnh Xuân Lâm vận động hai đồng chí đảng viên là đồng đội cũ của tôi vào làm việc ở Công ty để thành lập Chi bộ.
Tuy đã có Chi bộ nhưng khó khăn ban đầu là địa phương nơi Công ty có trụ sở và nhà máy, nhận thức chưa rõ lắm về hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Một số cán bộ đảng viên chưa sâu, chưa sát. Nhận thức máy móc, hành chính đơn thuần. Cần phải chủ động hoạt động xây dựng Chi bộ phát triển đó là nhiệm vụ quan trọng. Khi đã có Chi bộ, trách nhiệm của đảng viên trong việc phát triển Đảng kể cả về chất lượng và số lượng được xác định rất cụ thể. Được đặt ra thành mục tiêu rõ ràng trong từng nhiệm kỳ.
Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà cho doanh nhân CCB Trịnh Xuân Lâm
Trước hết, ông Trịnh Xuân Lâm vận động những người có nhận thức, tri thức, hiểu biết, gần gũi vào Đảng trước. Từ những nhân tố này, vận động, lan tuyền, tạo niềm tin cho những nhân tố tiếp theo. Song song với trách nhiệm đảng viên, quan tâm tới quyền lợi của họ bằng cách tạo mọi điều kiện để họ được nâng cao năng lực, trình độ, tay nghề, kỹ năng quản lý, xứng tầm với những vị trí chủ chốt trong quản lý, điều hành và dây chuyền sản xuất. Bằng cách làm này, Chi bộ Công ty đã phát triển đúng theo lộ trình, mục tiêu đặt ra.
Từ một Công ty tư nhân gần 10 năm chưa có tổ chức cơ sở Đảng, đến năm 2010 Công ty đã được tổ chức Đảng cấp trên ra Quyết định thành lập Đảng bộ có 3 Chi bộ trực thuộc và 30 đảng viên. Đây là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thị ủy thị xã Bỉm Sơn. Và cho đến thời điểm hiện nay (tháng 11/2021) Đảng bộ công ty Tiên Sơn đã có 3 Chi bộ trực thuộc với 56 đảng viên. Họ đã thể hiện được vai trò và trách nhiệm trong mọi lĩnh vực hoạt động của Công ty. Lập trường, tư tưởng của đảng viên rất vững vàng, hứng khởi, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng lao động. Hầu hết cán bộ chủ chốt, cán bộ điều hành sản xuất đều là đảng viên. Với Đảng bộ Công ty Tiên Sơn hiện nay, mục tiêu phát triển thêm đảng viên hàng năm là mục tiêu không khó thực hiện.
Ông Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiên Sơn trong Lễ tôn vinh năm 2021
Trong những năm gần đây, do xu hướng hội nhập Quốc tế nên phần lớn đoàn viên thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông đều đi học tiếp đại học, cao đẳng, học nghề hoặc tham gia lao động tại các công ty, nhà máy. Lực lượng đoàn viên thanh niên còn lại ở địa phương hầu như không đáng kể. Vì thế nguồn lực để phát triển Đảng chủ yếu là ở khu vực lao động đã thoát ly khỏi nông thôn.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 28.000 doanh nghiệp. Nếu chỉ cần một phần ba trong số doanh nghiệp đó có tổ chức cơ sở Đảng và mỗi tổ chức cơ sở Đảng có vài chục đảng viên là chúng ta đã có khoảng 180.000 đảng viên. Một số lượng rất
đáng để suy ngẫm trong công tác phát triển Đảng. Đây không chỉ là hạt nhân tư tưởng, giữ vai trò trách nhiệm trong doanh nghiệp mà còn là hạt nhân của cộng đồng, của xã hội để ổn định, vận động quần chúng, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ Công ty Tiên Sơn phấn đấu Đảng bộ phải có trên 100 đảng viên; Mỗi năm kết nạp thêm từ 8 đến 10 đảng viên; Tất cả cán bộ chủ chốt từ tổ phó tổ sản xuất trở lên đều phải là đảng viên; Từ việc thành lập, hoạt động và không ngừng phát triển của Đảng bộ Tiên Sơn, phải hỗ trợ thật hiệu quả cho sản xuất kinh doanh; Tạo được mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp trong thị xã Bỉm Sơn xem xét, học hỏi, áp dụng để thành lập và phát triển tổ chức cơ sở Đảng trong đơn vị mình.
Ông Trịnh Xuâm Lâm (bên trái) trong chương trình “Hội nghị BCH Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam
Điều kiện cơ bản, tiên quyết và lô gich trong quá trình xây dựng phát triển Đảng nói chung và Đảng trong doanh nghiệp nói riêng. Tổ chức Công đoàn, đoàn Thanh niên là tổ chức giáo dục nhận thức, giới thiệu, cung cấp nguồn cho tổ chức Đảng. Và chính nguồn lực này là yếu tố góp phần làm cho các tổ chức gắn kết, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của hệ thống chính trị.
Để tạo được sự phát triển đồng đều bền vững của các tổ chức đoàn thể dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, rất cần có cơ chế chính sách bình đẳng cho cán bộ của các tổ chức trong doanh nghiệp tư nhân và các đơn vị khác. Bình đẳng về đào tạo nguồn, về phát triển, bình đẳng về quy hoạch, cơ cấu cán bộ cho các tổ chức đoàn thể và tổ chức Đảng trong toàn thể hệ thống chính trị . Đây là vấn đề cần có sự chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy trong tư tưởng, trong chỉ đạo.